Người Nhật vẫn thường khẳng định với niềm tự hào, phấn khởi: “Nhật Bản không có núi Phú Sĩ(富士山), tựa như nước Mỹ không có tượng Nữ Thần Tự Do“. Ở Nhật Bản núi Phú Sĩ đã trở thành “ngọn núi thiêng”, “ngọn núi thần” che chở cho nước Nhật. Cùng với Hoa Anh Đào (桜) núi Phú Sĩ chính là linh hồn, biểu tượng của nước Nhật.
– Việc chinh phục được ngọn núi Phú Sĩ là một điều rất thiêng liêng tại Nhật Bản. Mỗi người Nhật đều muốn trải qua ít nhất là một lần trong đời lên được đỉnh núi. Tất cả đều hy vọng sẽ được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc trên đỉnh Phú Sĩ. Thế nhưng để chinh phục được đỉnh Phú Sĩ thì có lẽ không đơn giản chút nào bởi vì đỉnh Phú Sĩ cao 3.776m là ngọn núi lửa cao nhất Nhật Bản (cao hơn cả nóc nhà Đông Dương – đỉnh Phan Si Păng(Fansipan) cao 3.143m).
– Hàng năm núi Phú Sĩ thường mở cửa trong vòng hai tháng từ ngày 01/07 đến hết ngày 31/08 (năm nay 2017 thì đến hết ngày 10/09). Ðây là thời gian có khí hậu lý tưởng nhất ở núi Phú Sĩ: hết mùa mưa (nhưng có ngày vẫn có mưa), đường khô ráo, có gió nhẹ, thời tiết dễ chịu, nhiệt độ từ 5°C đến 6°C. Đường lên đỉnh núi(山頂) bao gồm 6 trạm được đánh số từ trạm số 5(五合目) đến trạm số 10(十合目) và leo theo 5 hướng chính: Kawaguchiko, Subashiri, Fuji-Nomiya, Fuji-Yoshida và Gotemba. (Mình leo theo hướng Fuji-Nomiya, nên trong bài viết này sẽ chia sẻ đến các bạn cách xuất phát từ hướng này nhé)
– Hành trình của những người leo núi là khác nhau. Có người leo buổi sáng, buổi chiều, buổi tối,… Tùy vào tốc độ leo của mỗi người mà thời gian lên đỉnh từ 3 đến 9 tiếng (3 tiếng là một tốc độ cực kỳ nhanh của ông bạn mình gặp leo lần này). Dù là hành trình nào đi nữa thì leo buổi tối là vất vả nhất, bạn phải leo xuyên màn đêm, nếu mệt thì chợp mắt chỉ khoảng 15 phút tại các trạm nghỉ chân, rồi tiếp tục hành trình, nhưng điều tuyệt vời nhất mà leo buổi sáng và chiều không có được là sáng hôm sau bạn sẽ đón những ánh bình minh đầu tiên trên đỉnh Phú Sĩ – một cảm giác tuyệt vời không thể diễn tả bằng lời!!! (Hôm mình đón bình minh trên đỉnh là lúc 5 giờ 5 phút sáng).
– 2017/09/02-03 Lần đầu tiên chinh phục đỉnh Phú Sĩ :D. Tuy vất vả, có phần hơi đuối vì đây là lần đầu tiên leo núi chưa có kinh nghiệm cũng như chưa biết nên chuẩn bị thế nào là đủ, nhưng đây là những kỉ niệm đẹp, một hành trình tuyệt vời. Không uổng phí tuổi thanh xuân nơi xứ người.
– Để có chuyến đi thú vị, mình có chút ít kinh nghiệm chia sẻ để các bạn chuẩn bị:
1. Thời gian
– Thời gian leo núi Phú Sĩ thường bắt đầu từ 01/07 đến hết 31/08. Trong khoảng thời gian này, nếu các bạn dự định leo thì nên tích cực kiểm tra thời tiết tại núi Phú Sĩ xem thời tiết có nắng đẹp không. Xem trong khoảng gần gần 1-2 ngày trước khi leo cho chính xác. Chuẩn bị sẵn mọi thứ trước 1 tuần. Thời tiết đẹp là xách ba lô lên và đi thôi
– Thời tiết đẹp leo đỡ vất vả, chứ gặp mưa thì ướt như chuột nên lạnh, nhiều bạn đã phải dừng cuộc chơi về giữa đường. Hơn nữa, thời tiết đẹp bạn mới có thể tận hưởng được cảnh bình minh tuyệt đẹp trên đỉnh Phú Sĩ. Còn trường hợp bạn leo buổi sáng (tối hôm trước ngủ cho thoải mái rùi sáng đến sớm leo) thì chiều hoặc tối về, sẽ đỡ mệt vì sáng thấy đường dễ leo, ít lạnh hơn và không mất ngủ. Còn bạn dự định leo buổi tối để ngắm bình minh vào ngày hôm sau thì tối hôm trước ngày leo cần ngủ sớm để có sức khỏe, vì leo xuyên đêm không ngủ nha.
– Thời gian leo đến đỉnh từ 3 đến 9 tiếng (3 tiếng là người có sức khỏe cực tốt mới đạt được), nên tùy sức khỏe của bạn để tính sao cho đến đỉnh vừa lúc bình minh nhé! Thời gian dự kiến mặt trời mọc sẽ được ghi tại điểm xuất phát là tầng thứ 5 五合目 (gogōme) (mình leo theo hướng Fuji-Nomiya có ghi thông tin này) bữa trước đi quên chụp hình lại chỗ người ta ghi mất, nên có gì đến đó các bạn hỏi nhé ^^
Bình minh trên đỉnh Phú Sĩ:
2. Đồng đội
– Khi bạn có dự định leo núi Phú Sĩ thì nên rủ nhiều bạn bè tham gia cùng, khoảng nhóm 4 người trở lên đi sẽ vui hơn. Không nên leo 1-2 người, bởi lúc gặp khó khăn, lúc mệt thì sự động viên của các bạn cùng leo sẽ là động lực để bạn tiếp tục, hay khi bạn có niềm vui cũng không có ai chia sẻ, khi có cảnh đẹp không có ai…chụp hình giùm mình và quan trọng hơn là khi bạn…đi vệ sinh không có ai trông đồ giùm (mỗi lần đi vệ sinh sẽ mất 200円, sẽ có người đứng trước thu, đưa tiền xong mới được zô hehe)
– Thống nhất trước về tâm lí: chinh phục đỉnh Phú Sĩ là một hành trình thú vị, nhưng sẽ không êm ả và cần phải cố gắng. Nếu tốt thì lên lịch trước 1 tháng cho mọi người chuẩn bị đồ (khi cần mua hàng từ amazon hay rakuten,… ) và luyện tập thể lực. Không có thời gian thì lên lịch trước 1 tuần cũng…không sao cả. Leo núi chủ yếu cần ý chí và nghị lực, không đòi hỏi thể lực mạnh mẽ gì cho cam… Tuy nhiên có tập thể lực trước thì chuyến đi sẽ dễ dàng hơn và bạn sẽ có sức khỏe để ngắm cảnh, tận hưởng chuyến đi tuyệt vời này!
3. Điểm xuất phát
– Trong đợt leo núi Phú Sĩ lần này, mình đến ga 富士駅 rồi đi taxi đến điểm xuất phát tại tầng thứ 5 五合目 (gogōme) theo hướng Fuji-Nomiya.
– Từ ga 富士駅 đến tầng thứ 5 五合目 (gogōme) theo hướng Fuji-Nomiya thì bạn có thể đi bằng xe bus hoặc taxi tầm 2-3 tiếng gì đó.
- Đi bằng xe bus mất phí 2sen3, bạn phải đến ga 富士駅 sớm, vì chuyến cuối cùng đi vào khoảng 10h trưa thì phải, hôm đó mình đến buổi chiều thì ko có chuyến nào đi nữa, hỏi thì người ta nói chuyến cuối là vào buổi trưa rồi. Nên bạn có mặt ở ga từ sớm cho chắc.
- Đi bằng taxi thì mất khoảng 1man3.
– Hôm mình leo hướng Fuji-Nomiya thì suốt quãng đường leo đều có dây giăng dẫn đường nên các bạn yên tâm leo không sợ lạc nhé, lên xuống đều men theo dây là ok.
– Sau khi đến đỉnh Phú Sĩ ngắm bình minh xong, các bạn vào quán ramen làm bát mì cho lại sức, nghỉ ngơi tham quan,… rồi chuẩn bị xuống núi (thời gian xuống khoảng 2 tiếng 30 phút đến 3 tiếng). Xe bus chuyến cuối từ tầng thứ 5 五合目 (gogōme) về lại ga 富士駅 là 18:40. Hôm đó, mình xuống đến nơi là lúc 10:30 là có xe bus sẵn rồi, ngồi chờ xíu là về.
4. Vật dụng
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, nên thời tiết thay đổi rất nhiều, càng lên cao sẽ càng lạnh lắm, bạn đừng chủ quan khi thấy ở dưới chân núi nhiệt độ chẳng có j là lạnh nhé :D. Vì thế chúng ta cần chuẩn bị thật kĩ càng trước khi lên đường cho một chuyến đi an toàn, bổ ích.
- Đồ ăn, thức uống: ở các trạm nghỉ chân thì có bán với giá gấp 3 đến 10 lần so với giá thông thường, do đó mà bạn nên mua theo để có dùng cho tiện. Hôm mình đi mua 4-5 gói bánh mì các loại to nhỏ, lớn bé (ăn hết), nước thì mang 2 chai Pocari Sweat loại 1.5L (chai thứ 2 còn 1/3 mang về @@). Cần thiết thì bạn mang thêm 2 hộp sữa, đôi khi mệt không ăn thì uống sữa để bổ sung năng lượng cũng tốt. Hoặc các món dễ ăn mà nhiều năng lượng như chuối, socola,…
- Giầy leo núi: Bạn nên mua loại giày có độ ma sát cao, đế cao su thì tốt. Vì đường đi toàn dốc và đá sỏi rất dễ trơn trượt.
- Tất: Bạn nên mang loại tất dài và dày, hoặc mặc kiểu quần dài mà là tất luôn ấy để khỏi lạnh chân với có va quẹt vào đá, hay trượt ngã thì đỡ trầy xước. Và chú ý nữa là vì leo núi là một chặng đường dài nên bạn mang loại tất dày, còn mỏng thì mang hai đôi như vậy giảm được độ cọ của giày và chân. Cẩn thận nữa thì dán một miếng gạc phía sau trên gót chân một tý chỗ tiếp xúc với giày đó để không làm xây xát chỗ vùng da này gây đau rát khó chịu.
- Găng tay: Nên mua găng tay không thấm nước vì nó còn có thể chống gió, loại găng tay da dày thì tốt.
- Mũ len trùm đầu: Dùng chống gió cho tai và đầu. Hôm mình đi không có mang làm lạnh đau đầu ghê >_<.
- Khẩu trang: Loại mua ở Việt Nam cho dày, để khỏi khô mũi.
- Lip Stick: Loại V.Rohto thoa cho khỏi khô môi ấy, cần thiết thì bạn chuẩn bị cũng tốt. Lên cao lạnh sẽ cần dùng.
- Đèn pin: Cái này leo ban đêm là rất cần đó. Nên mua loại đeo được trên đầu ấy, chứ sau 1 hồi leo mệt là muốn rảnh tay không muốn cầm cái j cả
- Áo lạnh: Mục này rất quan trọng. Khi leo đến tầng 5-6-7 thì chưa lạnh lắm, leo còn thấy nóng, nhưng đến tầng 8-9-10 thì sẽ lấy ra mặc. Bạn nên mang loại áo cắt gió ấy, loại áo này thường vải dù thì phải. Nên mang theo áo lạnh ấm nhất mà bạn có thể mang (2-3 cái có thể: 1 cái dày chính, 1-2 cái áo lông vũ,…), vì càng lên cao sẽ càng lạnh như mùa đông vì có gió mạnh.
- Quần: Mặc quần gì cũng được, miễn là dễ cử động là được. Quần lửng cũng không sao, lúc đứng lại gió thổi từ dưới lên cho nó mát :-“. Nói chớ bạn nên mặc quần dài như quần thun thể thao để thoải mái vận động. Có thể mặc 2 cái để giữ ấm chân.
- Gậy leo núi: Cái này mình thấy giúp ích rất nhiều trong việc leo núi. Nếu bạn định leo hàng năm thì nên đầu tư loại gậy chuyên leo núi vì nó có thể điều chỉnh được độ dài ngắn khác nhau của từng địa hình núi dốc. Chứ anh em dùng gậy tre hoặc gỗ bán tại địa điểm leo núi thì mình thấy dùng có phần bất tiện, chỗ đoạn leo hẹp, dốc gấp thì nó lại vướng.
- Kính râm: Lên đỉnh sau khi ngắm bình minh xong thì trời nắng hơi chói, có kính râm sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Với lại lúc đi xuống mặt trời chiếu thẳng vào mắt hơi khó chịu.
- Bình Oxi cầm tay: Dùng cho các bạn sức khỏe không tốt lắm, lên núi cao gặp khó khăn trong hít thở do không khí loãng. Có thể mua tại trạm 5 五合目 (gogōme) điểm bắt đầu xuất phát cũng có bán.
- Miếng dán ấm: Nói chung bỏ mấy miếng này trong người phòng khi trời quá lạnh hoặc khi dừng lại cũng tốt.
- Áo mưa: Cho dù dự báo thời tiết nói không có mưa thì vẫn nên mang theo. Có j mặc vào chống lạnh cũng tốt hehe (nếu thời tiết mà có mưa thì bạn còn cần chuẩn bị đồ thay để không bị cảm lạnh nữa nhé, do đó xem thời tiết trước khi đi là cực kỳ quan trọng).
Lời kết:
Trên đây là trải nghiệm thực tế của mình muốn chia sẻ đến các bạn những thông tin cần thiết để chuẩn bị cho chuyến hành trình chinh phục núi Phú Sĩ Nhật Bản. Hy vọng nó sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn một chuyến đi an toàn, bổ ích, và thú vị!